Cập nhật: 30/08/2016 16:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm học 2016 – 2017 sắp bắt đầu, để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị năm học mới và các nhiệm vụ, giải pháp mà Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh ta sẽ triển khai trong năm học 2016 – 2017, phóng viên Phòng Thông tin Điện tử, Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Phúc có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh trước thềm năm học mới.


Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Pv: Chỉ còn vài ngày nữa là năm học mới 2016 – 2017 chính thức bắt đầu, xin đồng chí cho biết hiện trạng về mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh và những giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu phòng học hiện nay?

Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Năm học 2016 – 2017, Vĩnh Phúc có 573 trường học với trên 319.000 học sinh, sinh viên.  Hiện nay, mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của các nhà trường ngày càng được đầu tư theo hướng khang trang, hiện đại hóa. Toàn tỉnh hiện có trên 8.000 phòng học,trong đó, bậc học THPT cơ bản đáp ứng 100% đủ phòng học kiên cố; bậc Tiểu học đạt 94,6% và THCS đạt 98,2%. Riêng đối với bậc học Mầm non tỷ lệ phòng học kiên cố mới chỉ đạt 74,8%, các nhà trường vẫn phải tổ chức các lớp học ghép, học tạm, học nhờ. Để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, Ngành Giáo dục và các địa phương đang cố gắng triển khai xây dựng 1000 phòng học mầm non theo Kế hoạch của UBND tỉnh theo lộ trình đến năm 2020. Trong đó, Sở GD&ĐT được giao xây dựng 500 phòng học. Thực hiện kế hoạch đó, năm 2016, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã tiến hành cho xây dựng mới 157 phòng học cho 18 trường thuộc các xã miền núi, xã nghèo và khó khăn trên địa bàn. Đến nay, các công trình đã được khởi công xây dựng và sẽ sớm được hoàn thành để đưa vào sử dụng nhằm giảm bớt khó khăn về phòng học cho các trường học. Đồng thời, trong dịp hè các địa phương tích cực tu bổ, sửa chữa và xây dựng các phòng học mới cho các nhà trường. Cùng với đó, Ngành Giáo dục cũng đã trang bị 26 phòng học bộ môn Lý, Hóa, Sinh, Tin cho 9 trường học trên địa bàn (gồm 5 trường THCS, 2 trường THPT và 2 trường THCSDTNT); trang bị 38 bộ thiết bị môn học giáo dục quốc phòng cho 38 trường THPT trên địa bàn…nhằm đáp ứng tốt hơn cho việc dạy và học tại các nhà trường.

Pv: Cùng với công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, Ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc đã tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc: Công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2016 – 2017 cũng như những năm học tiếp theo. Do vậy, chúng tôi sẽ tập trung vào việc triển khai thực hiện Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trong đó tập trung vào bồi dưỡng: Năng lực cán bộ quản lý, giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tập trung nâng cao, khai thác và ứng dụng CNTT; nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo các yêu cầu đổi mới và hội nhập.

PV: Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ và những giải pháp trọng tâm của Ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc trong năm học 2016 – 2017 để từng bước đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục?

Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc: Năm học 2016 – 2017, căn cứ vào 9 nhiệm vụ và  5 nhóm giải pháp mà Bộ GD&ĐT đề ra trong năm học, Ngành Giáo dục Vĩnh Phúc xác định một số nhiệm vụ trọng tâm và đưa ra các nhóm giải pháp để triển khai thực hiện trong năm học. Về công tác quản lý, Ngành sẽ tập trung vào tăng cường kỷ cương, nền nếp trong trường học coi đây là cái gốc để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý giáo dục cũng như các vấn đề về giáo dục mà xã hội quan tâm; kiên quyết xử lý các sai phạm của các nhà trường và cán bộ quản lý, giáo viên. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và chuẩn bị tốt nhất cho việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Ngành sẽ tiếp tục triển khai áp dụng những mô hình trường học mới, cũng như công nghệ giáo dục mới trong các trường học; thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo yêu cầu phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh và năng lực của người học; đẩy mạnh công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Song song với việc nâng cao chất lượng văn hóa, ngành sẽ chú trọng đến việc giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, Ngành sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp, các ngành trong việc đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà. Với những giải pháp đó, chúng tôi tin tưởng rằng năm học 2016 – 2017 sự nghiệp giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.

PV Thu Hoài: Một lần nữa cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn, chúc ông và Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2016 – 2017 đã đề ra../.

 

Thu Hoài

 

 

 

Tệp đính kèm