Cập nhật lúc: 31/05/16 4:21 PM

Phát hiện hai loài nghệ mới ở Viêt Nam

Trong quá trình hợp tác nghiên cứu đa dạng họ Gừng (Zingiberaceae), nhóm các nhà nghiên cứu Viện Sinh học Nhiệt đới và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết hợp với các nhà nghiên cứu Vườn thực vật Singapore vừa công bố hai loài Nghệ mới Curcuma arida và C. sahuynhensis. Hai loài nghệ này được phát hiện từ các năm 2009 – 2010 ở tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Quảng Ngãi, là các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam. Dựa vào những mô tả chi tiết các đặc điểm hình thái, và phân tính giải phẩu học của các mẫu thu thập được cho thấy có sự khác biệt rõ ràng so với các loài Nghệ đã được biết từ trước đến nay và là cơ sở để mô tả hai loài Nghệ mới cho khoa học thuộc chi phụ  Ecomata Škorničk. & Šída f. Kết quả đã được công bố trên tập chí chuyên ngành Phytotaxa, tập 192, số 3, trang 181 – 189, năm 2015.

Curcuma arida Škorničk. & N.S.Lý là loài thân cỏ nhỏ, cao khoảng 0,5 m. Cây trưởng thành có khoảng 3 – 4 lá, phiến lá hình trứng đến hình elip, cỡ 35 × 13 cm, mũi lá có lông măng; cuống lá dài 1 – 9 cm; lá bẹ cỡ 5 mm. Cụm hoa mọc giữa bẹ lá, cỡ 10 – 20 cm × 4 – 6 cm, mang 15 – 35 lá bắc, không có lá bắc bất thụ; cuống cụm hoa cỡ 20 × 7 mm. Lá bắc hình trứng rộng hay hẹp đến hình mác, hơi trắng đến xanh sáng ở nữa dưới gốc, chuyển sang màu hơi tía và xòe ra ở phần mũi. Lá bắc con màu trắng, hơi hồng tía ở mũi, đôi khi không có lá bắc con. Đài dài 10 – 13 mm, hơi hồng đậm. Ống tràng dài 2,2 – 3 cm, gốc hình trụ hẹp, đầu hình phễu. Các cánh tràng (các thùy bên) hình trứng hẹp, lõm, trắng hay hơi tía ở mũi. Cánh môi hình trứng ngược, màu kem ở gốc, vàng sáng ở mũi. Bao phấn có cựa  dài 0,5 mm, dạng sợi, hình móc câu; trung đới 1 – 1,5 mm, màu vàng; mào bao phấn dài  5 mm. 2 vòi nhụy lép dài 3 mm. Bầu noãn 2 – 3 × 2 mm, ba ngăn. Quả nang, trắng. Hạt hình trứng, màu trắng kem đến nâu sáng.

hoangheSkornick_NSLy
Cụm hoa Nghệ khô hạn  Curcuma arida Škorničk. & N.S.Lý (Ảnh Lý Ngọc Sâm).

Cho đến nay, loài C. arida chỉ mới ghi nhận phân bố tại Vườn Quốc Gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, một trong những nơi khô hạn nhất Việt Nam. Chúng mọc ở các khe đá của các trảng trống hay bên dưới thảm thực vật cây bụi của rừng bán khô hạn Núi Chúa ở cao độ khoảng từ 35 đến 120 m so với mực nước biển. Nơi có nhiều loài cây bụi, cây gai mọc chung, nhất là cây thân mọng nước họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Mùa ra hoa từ tháng 9 đến tháng 11, mùa quả từ tháng 10 đến tháng 12.

vitellinaSkornick_HDTran
Cụm hoa Nghệ Curcuma pambrosima Škorničk. & N.S.Lý (Ảnh Lý Ngọc Sâm).

Nghệ khô hạn Curcuma arida Škorničk. & N.S.Lý có đặc điểm hình thái giống với loài Nghệ ăn được ( Curcuma pambrosima Škorničk. & N.S.Lý), một loài mới được phát hiện và mô tả năm 2010 tại tỉnh Phú Yên, nhưng khác với loài  C. pambrosima bởi có bao phấn màu trắng với trung đới có màu vàng sáng, và cựa bao phấn keo dài thành hai sợi hình móc. Hơn nữa, loài C. arida cũng rất giống với loài Nghệ  C. vitellina Škorničk. & H.Ð.Trần nhưng khác biệt với loài này bởi có phiến lá nhẵn như da, cụm hoa chỉ mang 15 – 35 lá bắc có màu xanh đến trắng ở gốc từ từ chuyển sang hồng ở đầu lá bắc.

vitellinaSkornick_HDTran
Cụm hoa Nghệ Curcuma vitellina Škorničk. & H.Ð.Trần (Ảnh Lý Ngọc Sâm).

Curcuma sahuynhensis Škorničk. & N.S.L là loài thân cỏ nhỏ, cao khoảng 0,8 m. Cây trưởng thành có đến 10 lá, 1 – 2 lá khi cây ra hoa, phiến lá hình trứng đến hình elip, cỡ 20 – 38 × 9 – 16 cm; cuống lá dài cỡ 2 – 20 cm; lá bẹ cỡ 5 mm. Cụm hoa mọc ở bên, cạnh bên thân, cỡ 6 – 15 × 5 – 9 cm; mang 10 – 23 lá bắc, không có lá bắc bất thụ; cuống cụm hoa cỡ 6 – 16 × 8 mm. Lá bắc hình trứng rộng hay hẹp đến hình thoi, trắng đến hơi xanh ở nữa dưới gốc, biến đổi từ hơi đỏ đến đỏ san hô ở phần mũi, mũi lá bắc nhọn và xòe ra. Lá bắc con màu trắng mờ, đôi khi không có lá bắc con. Đài dài 14 – 19 mm, trắng mờ hay hơi hồng. Ống tràng dài 1,8 – 2,8 cm, hình trụ hẹp phần gốc trên bầu noãn, đầu hình phễu. Hoa dài 3,5 – 4,5 cm. Các cánh tràng hình trứng đến tam giác, lõm, trắng hay hơi vàng biến đổi hơi đỏ hay hồng, có lông hay không. Cánh môi hình trứng ngược, trắng kem ở gốc, vàng đậm ở mũi, với dãy màu vàng cam dọc ở giữa. Bao phấn hình chữ L, vàng đến vàng cam, có lông tuyến dày, cựa bao phấn to và kéo dài 3,5 – 5,5 mm; mào bao phấn dài 6 – 7  mm. 2 vòi nhụy lép dài 4 – 6 mm. Bầu noãn 3 – 5 × 2 – 4 mm, ba ngăn. Quả nang hình cầu. Hạt hình trứng ngược, màu nâu sáng.

Curcuma sahuynhensis chỉ mới ghi nhận phân bố ở các kiểu rừng trên đất thấp ven biển thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nhất là các xã Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh. Loài Nghệ mới này mọc trên đất xỏi đá nghèo dinh dưỡng của các trảng trống, rừng cây bụi thấp và rừng trồng Keo/Bạch đàn ở cao độ khoảng từ 95 đến 183 m so với mực nước biển. Mùa ra hoa từ tháng 8 đến tháng 10, mùa quả từ tháng 9 đến tháng 11. Lá non và cụm hoa non của loài này được người dân địa phương sử làm thực phẩm ăn như rau.

sahuynhensisSkornick_NSLy
Cụm hoa Nghệ sa huỳnh  Curcuma sahuynhensis Škorničk. & N.S.Lý (Ảnh Lý Ngọc Sâm).

Nghệ Sa huỳnh Curcuma sahuynhensis Škorničk. & N.S.Lý có đặc điểm hình thái giống với Nghệ hoa vàng ( Curcuma xanthella Škorničk. & H.D. Trần), một loài mới phát hiện và mô tả năm 2013 ở Bình Thuận và Lâm Đồng, nhưng khác với loài Curcuma xanthella bởi có hình dạng và kích thước cụm hoa trên mặt đất lớn hơn (6 – 15 × 5 – 9 cm), mang 10 – 23 lá bắc với phần đầu lá bắc hiện rõ sắp xếp trên trục phát hoa kéo dài, kích thước hoa nhỏ hơn (dài 3,5 – 4,5 cm), cựa bao phấn to và ngắn hơn (4 mm), mào bao phấn dài hơn (6 – 7 mm), và vòi nhụy lép ngắn hơn (5 – 6 mm).

xanthellaSkornick
Cụm hoa Nghệ C. xanthella Škorničk. (Ảnh Lý Ngọc Sâm).

Trên thế giới, Chi Nghệ (Curcuma) có ít nhất khoảng 120 loài và được chia thành 3 chi phụ  CurcumaEcomata và Hitcheniopsis. Chi nghệ phân bố rộng khắp Nam và Đông Nam Á, chỉ một số ít loài phân bố rộng đến Trung Quốc, Úc và Nam Thái Bình Dương. Thành phần loài đa dạng nhất của chi Nghệ tập trung ở vùng khí hậu mưa mùa Châu Á từ Ấn Độ đến Đông Dương. Nhiều loài Nghệ có giá trị kinh tế, dược liệu, có giá trị quan trọng trong văn hóa và làm cảnh, trong đó Nghệ  ( Curcuma longa) là loài được sử dụng nhiều nhất, làm gia vị và màu thực phẩm, mỹ phẩm, và dược liệu.

Nghiên cứu trước đây đã ghi nhận khoảng 19 loài Nghệ ở Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, 6 loài Nghệ mới cho khoa học đã được phát hiện ở nước ta, gồm 4 loài thuộc chi phụ  Ecotama (C. vitellina Škorničk. & H.Ð.Trần, C. pambrosima Leong-Škorničková & Lý, C. newmanii Škorničk., C. xanthella Škorničk.), và 2 loài thuộc chi phụ  Hitcheniopsis (Curcuma pygmaea Škorničk. & Šída f., C. leonidii Leong-Škorničková & Lưu). Với 2 loài Nghệ mới vừa công bố nâng tổng số loài Nghệ ở tìm thấy ở Việt Nam lên đến khoảng 27 loài, và cho thấy tính đa dạng cao về thành phần loài Nghệ ở nước ta.

Nguồn tin và hình ảnh:  Lý Ngọc Sâm, Viện Sinh học Nhiệt Đới

Để biết thêm thông tin về loài hai loài Nghệ mới của Việt Nam, xin tham khảo tại: http://www.mapress.com/phytotaxa/content/2015/f/pt00192p189.pdf